Huyền Thoại Cà Phê Chồn

Phần 1: Truyền Thuyết Cà Phê Chồn Việt Nam Đã Mất Như Thế Nào?

SỰ XUẤT HIỆN CỦA MỘT HUYỀN THOẠI

Vào nửa đầu thế kỷ 20, miền Cao Nguyên vẫn còn thưa thớt dân cư, và những đồn điền cà phê vẫn còn nằm giữa những cánh rừng bạt ngàn, vốn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có loài chồn.
Người ta kể lại rằng, hàng năm, cứ vào mùa cà phê từ tháng 8 đến tháng 12, mỗi đêm các chú chồn rừng lại vào các đồn điền để thưởng thức những trái cà phê chín đỏ mà chúng lựa chọn rất kỹ bằng khả năng ngửi siêu phàm.
Cũng trong đêm đó, hệ thống tiêu hoá của các chú chồn hoạt động hết công suất, để rồi sau vài tiếng đồng hồ, những hạt cà phê đã bị tiêu hóa bán phần được thải ra dưới hình dáng tự nhiên ngàn đời của cục phân.
Và rồi, mỗi sáng mai thức dậy, những người nông dân lại đi thu gom từng cục phân, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và từ đó chế biến thành cà phê Chồn, loại cà phê mà những ai đã có cơ duyên được uống thì sẽ không bao giờ quên.

Tây Nguyên có diện tích xấp xỉ 51.800 km2 với địa hình núi đá, rừng rậm và đất bazan màu mỡ, chiếm khoảng 16% tổng diện tích đất trồng trọt.

Năm cao nguyên của Tây Nguyên có độ cao từ 500m ở phía Bắc dốc dần lên khoảng chừng 1.500m ở phía Nam.
Wikipedia – Tây Nguyên

Trong khi các cao nguyên rộng rãi ở Bắc Tây nguyên phù hợp để sản xuất cà phê Robusta thương mại quy mô lớn, thì diện tích cao phía Nam có điều kiện tự nhiên để trồng cà phê Arabica đặc sản.

Theo báo cáo năm 2006 của Tổ chức Nông lương Thế giới, thì Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tổng sản lượg cà phê xuất khẩu với 0,85 triệu tấn, chỉ sau Brazil.
Wikipedia – Economics of Coffee

Loài chồn như thường gọi chính là cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) là một nhánh của họ cầy vòi ở vùng Nam và Đông Nam Á. Chúng là loài ăn tạp dùng trái chín làm nguồn thức ăn quan trọng.

Cầy vòi hương có thói quen hoạt động kiếm ăn về đêm với thời gian hoạt động tích cực nhất vào khoảng đêm muộn tới sau nửa đêm, ít tích cực vào đêm trăng.
Wikipedia – Asia Palm Civet

CÁI CHẾT CỦA MỘT HUYỀN THOẠI

Trong nửa sau của thế kỷ 20 (đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước) đã có những làn sóng di dân lớn tới các tỉnh ở Tây Nguyên.
Và khi cư dân thưa thớt ở Tây Nguyên dần trở nên đông đúc, thì nhu cầu trồng trọt tăng lên, diện tích rừng càng ngày càng co hẹp lại, đồng thời tình trạng săn bắt thú hoang dã trở nên lan tràn.
Rồi đến một ngày, Tây Nguyên rộng lớn trở thành những trang trại cà phê nối tiếp nhau ngút ngàn, rừng nguyên sinh chỉ còn ở những vùng xa hay khu bảo tồn, còn loài chồn trở thành một món nhậu đắt tiền trong những nhà hàng.
Và thế là cứ mỗi năm, hình ảnh từng đàn chồn lẻn vào rẫy cà phê tìm quả chín đã trở thành ký ức. Dần rồi ký ức cũng nhạt dần. Rồi truyền thuyết cà phê Chồn cũng đi xa. Nó thực sự chết.
Thế nhưng, khi cà phê Chồn chỉ còn là một câu chuyện truyền miệng, thì may mắn là câu chuyện ấy vẫn gieo được vào lòng vài người hạt giống đam mê.

(Còn tiếp)